Giá điện tăng, điện NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI (NLMT) mái nhà phát triển mạnh
Từ tháng 5, chủ đầu tư dự án điện mặt trời trên mái nhà địa bàn TP.HCM có thể thu được tiền bán điện cho EVN.
Cuối tháng 3, Tập đoàn điện lực VN (EVN) ban hành Văn bản 1532 để gỡ vướng hóa đơn cho mô hình điện mặt trời (ĐMT) trên mái nhà (TMN). Trong những ngày qua, Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đang triển khai ký hợp đồng nhằm tạo cơ sở trả tiền điện cho các chủ đầu tư mô hình này.
Chi phí đầu tư giảm mạnh
Năm 2017, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Trường đại học Cần Thơ, lắp 16 tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà với chi phí đầu tư 130 triệu đồng. Lượng điện sản xuất ra vượt nhu cầu tiêu thụ của gia đình, ông “chia” bớt cho hàng xóm xài mà không bán lên lưới vì bán cũng không thể thu tiền. Ngoài lợi ích có điện để phục vụ nhu cầu của gia đình thì từ khi lắp pin, ngôi nhà được những tấm pin che nắng nên mát hơn và lượng điện sử dụng cho các thiết bị làm mát cũng giảm. Với những lợi ích như vậy đầu năm nay ông quyết định lắp thêm 8 tấm pin, chi phí chỉ còn 22 triệu đồng (nhờ hạ tầng có sẵn nên cũng giảm đáng kể chi phí đầu tư).
Ông Tuấn cho biết, đang chờ ký hợp đồng mua bán với điện lực địa phương. Từ khi Quyết định 11 có hiệu lực, ông đã nghĩ đến chuyện hợp đồng thuê mướn những mái nhà có diện tích rộng để sản xuất điện sạch, nhằm chung tay bảo vệ môi trường.
Theo ông Phạm Quốc Bảo, Tổng giám đốc EVNHCMC, 7 - 8 năm trước để sản xuất 1 kWp cần đầu tư khoảng 60 - 70 triệu đồng, nhưng hiện nay giá thành giảm mạnh, bình quân chỉ còn 20 - 21 triệu/kWp. Bình quân 1 kWp trên địa bàn TP phát khoảng 3 - 5 kWh điện/ngày.
TP.HCM rất thuận lợi để đầu tư ĐMT, và loại năng lượng này dễ dàng hòa lưới. Cùng với đó, cơ chế mua bán điện cũng đã được tháo gỡ. Mục tiêu của EVNHCMC trong năm 2019 sẽ vận động khách hàng lắp đặt 50 - 80 MW. Để đầu tư lượng ĐMT trên cần phải có kinh phí 1.000 - 1.500 tỉ đồng. Nay có cơ chế mua bán linh hoạt, huy động được sự tham gia của xã hội sẽ là một giải pháp rất tốt.
Với cơ chế giá bán ĐMT TMN hiện tại là 9,35 US cent/kWh tương đương 2.086 đồng/kWh, nhà đầu tư có thể thu lại vốn đầu tư trong khoảng 4 năm, trong khi tuổi thọ của các tấm pin kéo dài từ 15 - 20 năm.
Số lượng dự án tăng nhanh
Tại TP.HCM, nhu cầu phát triển ĐMT TMN của người dân đang rất lớn, nhất là khi giá điện gần đây tăng sốc. Tính đến cuối năm 2018, cả TP.HCM chỉ có 906 mô hình ĐMT TMN nối lưới với tổng công suất lắp đặt đạt 10.382 kWp. Và nay, mô hình này đã tăng lên tới con số 1.432 với công suất lắp là 17,46 MWp.
Như vậy, chỉ trong chưa đầy 4 tháng số dự án ĐMT TMN ở TP.HCM tăng thêm 526 dự án, chiếm hơn 50% tổng số dự án từ trước tới hết năm 2018 cộng lại. Trung bình mỗi ngày ở TP.HCM có đến 4,5 dự án ĐMT TMN được triển khai và nối lưới.
Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN cũng đang phối hợp Sở Công thương TP.HCM khảo sát tại 150 tòa nhà có tiềm năng lắp đặt hệ thống ĐMT. Theo WB, tiềm năng kỹ thuật của mô hình ĐMT TMN ở TP.HCM lên tới 6.300 MW.
Sức hút của ĐMT TMN ở Tây nguyên cũng “nóng” không kém khu vực miền Đông và Tây Nam bộ. Đứng trên tầng cao của khách sạn Sài Gòn Ban Mê dễ dàng nhận thấy nhiều tòa nhà lắp pin năng lượng mặt trời như: bưu điện tỉnh, trung tâm thương mại TP và nhiều hộ gia đình.
Để thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, các công ty điện lực tổ chức tiếp nhận đăng ký nhu cầu lắp đặt ĐMT TMN qua nhiều hình thức: điện thoại, email, Zalo, Chat box... Chủ đầu tư chỉ cần gửi hồ sơ đề nghị bán điện về công ty điện lực trước 3 ngày so với thời gian hoàn thành dự án. Trong vòng 3 ngày kể từ khi tiếp nhận giấy đề nghị bán điện của chủ đầu tư, công ty điện lực phải hoàn thành việc kiểm tra các thông số kỹ thuật của dự án và ký kết hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư.
Lưu ý cho chủ đầu tư ĐMT TMN
Theo EVN, sau khi ký hợp đồng mua bán ĐMT TMN, lượng điện ghi nhận trước đây chưa thanh toán được cũng sẽ được thanh toán trong đợt này. Khách hàng muốn lắp đặt ĐMT TMN cần tìm hiểu lưới điện ở khu vực đó như thế nào, vì nếu công suất lắp đặt có thể gây quá tải hệ thống lưới điện khu vực thì ngành điện không thể mua lại ĐMT. Khách hàng cần làm việc với đơn vị lắp đặt về các thiết bị ban đầu, hệ thống chuyển đổi để khi điện lực kiểm tra sẽ đạt tiêu chuẩn đấu nối vào hệ thống.
Cơ chế giá 9,35 US cent/kWh được áp dụng cho các dự án nối lưới trước ngày 30.6.2019. Sau thời điểm trên, cơ chế giá sẽ được điều chỉnh theo cơ chế mới, dự thảo hiện nay của Bộ Công thương (đang chờ Chính phủ phê duyệt) đối với mô hình này cho các tỉnh miền Nam chỉ còn 7,89 US cent/kWh.
Nguồn: Báo Thanh Niên